Phong trào dân chủ Tsakhiagiin_Elbegdorj

Trong thời gian học tập tại Liên Xô, Elbegdorj đã được học về Glasnost (công khai) và các khái niệm như tự do ngôn luận và kinh tế tự do. Sau khi trở về Mông Cổ, ông đã gặp gỡ với những người có cùng tư tưởng chính trị và đưa các tư tưởng đến với một không gian rộng lớn hơn, mặc dù các nỗ lực của ông bị Bộ Chính trị ngăn cản và giám đốc nơi làm việc đe dọa cho thôi việc. Khi phát biểu tại Đại hội Nghệ sĩ Trẻ Quốc gia lần thứ hai vào ngày 28 tháng 11 năm 1989, trong đoạn kết thúc, Elbegdorj đã nói rằng Mông Cổ cần dân chủ và yêu cầu giới trẻ cộng tác và tổ chức hoạt động để thiết lập dân chủ tại Mông Cổ. Ông đã nói với các đại biểu "Chúng tôi cho rằng Perestroika là một bước đi hợp thời và dũng cảm. Đóng góp của giới trẻ cho vấn đề cách mạng này không phải bằng các lời nói suông bày tỏ thông cảm mà cần bằng hành động thực tế. Đóng góp của chúng ta hướng đến mục tiêu của chúng ta. Mục tiêu của chúng ta là: "...ủng hộ dân chủ và minh bạch và góp phần tiến tới glasnost (công khai),... và ủng hộ lực lượng tiến bộ thực chất...vì điều này...Đó là mục tiêu của nhóm sáng kiến. Nhóm có thể tạo thành một tổ chức để hành động. Sau đại hội Tôi hi vọng chúng ta sẽ tập hợp và thảo luận và các bạn sẽ tham gia vào tổ chức này. Tổ chức sẽ dựa trên cơ sở công khai, tự nguyện và các nguyên tắc dân chủ."[6]

Chủ tịch đại hội đã ngắt bài phát biểu của Elbegdorj và cảnh báo Elbegdorj rằng ông không thể nói những điều như vậy. Đó là năm 1989 và Mông Cổ đã là một đất nước cộng sản trong suốt 68 năm còn Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ (MPRP) đã từng áp bức những người có quan điểm khác so với chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa xã hội trong quá khứ. Sau đó, có hai người trẻ đã gặp Elbegdorj và cả ba đồng ý thành lập phong trào dân chủ và truyền tải các thông điệp một cách bí mật trong giới trẻ. Ba người này cũng mười người khác sau đó trở thành mười ba lãnh đạo của cách mạng dân chủ Mông Cổ.

Vào thời gian đó, Elbegdorj là một phóng viên của tờ báo quân đội Ulaan Od và khi ông quay trở lại làm việc sau đại hội, lời nhắn của chủ tịch Đại hội Nghệ sĩ Thanh niên về các "hành vi sai trái" của Elbegdorj tại đó đã đến được tòa soạn. Tổng biên tập cảnh cáo Elbegdorj rằng Elbegdorj sẽ bị sa thải nếu ông tham gia vào bất kỳ hoạt động khác ngoài công việc và vượt ra ngoài ý thức hệ cộng sản và xã hội chủ nghĩa. Bất chấp lời cảnh cáo, Elbegdorj và những người bạn của mình bắt đầu các cuộc tiếp xúc bí mật với những người trẻ tuổi khác tại phòng hội nghị của Đại học Quốc gia Mông Cổ và thảo luận về dân chủ, kinh tế thị trường tự do và họ biết gì về các chủ đề cấm kị cũng như bắt đầu phác thảo một kế hoạch về tổ chức một phong trào dân chủ. Họ tiếp xúc nhiều lần và mỗi lần lại có thêm những người ủng hộ mới gia nhập.

Vào ngày 10 tháng 12 năm 1989, cuộc tụ tập biểu tình ủng hộ dân chủ công khai lần đầu tiên đã diễn ra trước cửa Trung tâm Văn hóa Thanh niên tại Ulaanbaatar. Tại đây, Elbegdorj tuyên bố thành lập Liên minh Dân chủ Mông Cổ. Đến những tháng sau Elbegdorj và những người khác của tổ chức tiếp tục lãnh đạo các cuộc biểu tình, tập hợp, tuần hành phản đối và tuyệt thực, cũng như các cuộc đình công của giáo viên và công nhân. Các hành động này đầy tính mạo hiểm và có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của những người cầm đầu khi đó. Họ phát triển lực lượng những người ủng hộ trong quần chúng, cả ở thủ đô và các vùng thôn quê và trở thành làn sóng lan rộng khắp đất nước.;[7][8]

Sau nhiều cuộc tuần hành của hàng chục nghìn người dân tại thủ đô cũng như tại các tỉnh lị, cuối cùng Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ - cơ quan quyền lực cao nhất đã thương lượng với các lãnh đạo của phong trào dân chủ. Vào tháng 2 năm 1990, Chủ tịch Bộ Chính trị Jambyn Batmönkh của Ủy ban Trung ương Đảng NDCM Mông Cổ đã giải thể Bộ Chính trị và từ chức vào ngày 9 tháng 3 năm 1990, mở đường cho một cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên tại Mông Cổ. Elbegdorj tuyên bố điều này tới những người tuyệt thực và những người tụ tập tại quảng trường Sukhbaatar vào lúc 10 tối cùng ngày sau khi đạt được thỏa thuận giữa hai bên. Với vai trò là một thành viên trong Đại hội Nhân dân, Elbegdorj đã cùng phác thảo và thông qua hiến pháp mới của Mông Cổ vào ngày 13 tháng 1 năm 1992 theo đó bảo đảm nhân quyền và dân chủ. Sự kiện này đã biến Mông Cổ trở thành quốc gia dân chủ đầu tiên tại khu vực Trung Á.[9]. Một trí thức quốc tế đã gọi Elbegdorj là "Thomas Jefferson của Mông Cổ.[1]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tsakhiagiin_Elbegdorj http://www.cnn.com/2005/WORLD/asiapcf/11/21/mongol... http://www.mongolia-web.com/content/view/363/2/ http://www.mongolia-web.com/opinion/1909-elbegdorj... http://www.mongolmedia.com http://www.newkerala.com/news.php?action=fullnews&... http://query.nytimes.com/gst/fullpage.html?res=9F0... http://www.nytimes.com/2005/02/15/international/as... http://www.prweb.com/releases/2006/01/prweb331736.... http://www.worldviewmagazine.com/issues/article.cf... http://www.mongolei.de/news/2005aug1.htm